(binhdinh.gov.vn) - Sáng 12/10, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (viết tắt là Chương trình) bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm điểm lại thành tựu, ghi nhận kết quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Minh Chính- Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Chương trình.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh; thành viên BCĐ về CĐS tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, theo đó lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.
Năm 2024, CĐS quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta tổ chức Chương trình chào mừng Ngày CĐS quốc gia - sự kiện quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay CĐS quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sự kiện cũng truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng CĐS một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước. Đặc biệt, nếu làm tốt công tác CĐS, xếp hạng của Việt Nam về CĐS trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất.
"Chúng ta đi sau về CĐS nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", Thủ tướng nói và nêu rõ ba đột phá trong CĐS là thể chế số, hạ tầng số và con người số. Thủ tướng lưu ý điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, công cuộc CĐS tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về phát triển hạ tầng số, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023). Năm 2024, Việt Nam có 87% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Các nhà mạng đã triển khai việc tắt sóng 2G, giúp người dân dịch chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G với chất lượng cao hơn.
Về nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối và chia sẻ dữ liệu cho 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin. Ứng dụng định danh điện tử VNeID có hơn 20 triệu lượt sử dụng căn cước điện tử, 8 triệu tài khoản định danh đăng nhập cổng dịch vụ công và hơn 14 triệu thông tin công dân tích hợp vào sổ sức khoẻ điện tử. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43,8%. Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỷ USD (tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023). Hàng trăm mặt hàng nông sản Việt Nam được bán trên những sàn thương mại điện tử.
Về xã hội số, Bộ Công an đã cấp hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, thu nhận 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử; trên 87% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 10 triệu chữ ký số đã được cấp.
Về hoạt động của tổ CNSCĐ, đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 93.524 tổ và gần 457.820 thành viên. Là cánh tay nối dài của BCĐ CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn, tổ, đội, các tổ CNSCĐ đã trực tiếp đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn từng người để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình CĐS.
Tại chương trình, trên cơ sở các gợi ý từ Thủ tướng Chính phủ, đại biểu đã tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cùng với đó là đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ công nghệ số cộng đồng.
Thủ tướng phát biểu kết luận tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện CĐS năm 2024. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm, kịp thời phát hiện, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện CĐS; tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện CĐS có trọng tâm, trọng điểm với tư duy đổi mới; chuyển đổi, nâng cao các ngành công nghiệp truyền thống bằng công nghiệp số; phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ số, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn thông minh; thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên không gian số; đẩy mạnh CĐS, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục – đào tạo, dạy nghề… từng bước cải thiện, làm phong phú hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Trước mắt, trong những tháng cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc và bứt phá hơn, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu CĐS đặt ra trên các trụ cột công nghiệp, công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số; tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số; đẩy mạnh triển thực hiện Đề án 06, hình thành hệ sinh thái công dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CĐS; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong CĐS; phấn đấu đưa toàn bộ dịch vụ công trên nền tảng số của Chính phủ, các cấp, ngành, cơ quan, địa phương nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng trong CĐS…
Tác giả: Trang Lê