(binhdinh.gov.vn) - Chiều 28/11, UBND tỉnh Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua một năm triển khai Đề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định” (BCCI) đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, việc triển khai Đề án đã sắp xếp, tổ chức lại nhân sự làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện tinh gọn: Cấp tỉnh 14 nhân viên Bưu điện thay thế cho 24 công chức, viên chức các sở, ban (giảm 10 người làm việc so với thời điểm trước chuyển giao, tỷ lệ giảm 58,3%); cấp huyện 35 nhân viên Bưu điện thay thế cho 70 công chức, viên chức các phòng, ban chuyên môn, (giảm 35 người làm việc so với thời điểm trước chuyển giao, tỷ lệ giảm 39,7%), hiện nay vẫn còn 18 công chức, viên các phòng ban chuyên môn chưa chuyển giao. Mặc dù, tỷ lệ người làm việc giảm, khối lượng công việc tăng lên (thêm công việc số hóa), số lượng hồ sơ tăng (bình quân mỗi nhân viên Bưu điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận và trả kết quả 7.422 hồ sơ/năm, tăng 3.480 hồ sơ/năm so với trước thời điểm chuyển giao; bình quân mỗi nhân viên Bưu điện tại Bộ phận Một cửa cấp huyện tiếp nhận và trả kết quả: 3.414 hồ sơ/năm, tăng 1.632 hồ sơ/năm so với trước thời điểm chuyển) nhưng nhân viên Bưu điện vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, một số chỉ số thuộc “Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp” có liên quan đến nhiệm vụ của nhân viên Bưu điện hầu hết tăng so với trước thời điểm chuyển giao. Cụ thể, tại cấp tỉnh: Hồ sơ trực tuyến tăng 37,16%, Thanh toán trực tuyến tăng 54,55%, Số hóa tăng 24,25%, Khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tăng 9,6%; tại cấp huyện: Hồ sơ trực tuyến tăng 17,02%, Số hóa tăng 8,69%, Khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tăng 42,3%.
Thái độ, cung cách phục vụ người dân, doanh nghiệp của nhân viên Bưu điện thể hiện tính cầu thị, nhiệt tình, trách nhiệm, thân thiện (tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, theo kết quả đánh giá 9.612 lượt, trong đó tỷ lệ rất hài lòng đạt 97,45%, tăng 5,16%, tỷ lệ hài lòng 1,67%, giảm 3,27% và tỷ lệ không hài lòng 0,87%, giảm 1,89% so với cùng kỳ năm 2023). Việc chuyển Bộ phận Một cửa thành phố Quy Nhơn và Bảo hiểm xã hội tỉnh về một đầu mối Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính.
Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương với nhân viên Bưu điện được thực hiện hài hòa, nhịp nhàng và kịp thời trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh, chưa phát sinh vấn đề bất cập, trở ngại trong công tác phối hợp.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC có sự cải thiện về chất lượng, tăng năng suất lao động; một số chỉ tiêu về Dịch vụ công trực tuyến thuộc Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp có phần đóng góp của nhân viên Bưu điện hầu hết đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, mẫu hóa hồ sơ, đơn giản giao diện thực hiện, tăng cường chứng thực điện tử, hướng tới mục tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình đảm bảo thực chất. UBND cấp huyện tham khảo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp, để nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính 02 cấp (cấp huyện, cấp xã) nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành cùng với Bưu điện tỉnh tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hồ sơ từ chối giải quyết, trả lại do tiếp nhận không đúng thành phần. Chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng chatbot để hướng dẫn về các TTHC; Văn phòng UBND tỉnh có kiến nghị về phương thức thanh toán trực tuyến sao cho thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất chế tài không tiếp nhận hồ sơ giấy, nhất là đối với cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp. Đối với các địa phương mới chuyển giao một phần nhanh chóng triển khai chuyển giao toàn bộ cho nhân viên Bưu điện…
Tác giả: DTD