Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong các chị em, hội viên phụ nữ ngày càng được quan tâm hưởng ứng tham gia; từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình khởi nghiệp đạt hiệu quả, trong đó có chị Lê Thị Loan (sinh năm 1993), hội viên phụ nữ Tổ 4, thôn Trung Thứ, xã Mỹ Chánh Tây là một điển hình như thế.
Theo lời giới thiệu của chị Võ Thị Mỹ Thuật - Chủ tịch Hội LHPN xã, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất chế phẩm dinh dưỡng hữu cơ của gia đình chị Lê Thị Loan mới đạt giải nhì tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh do Hội LHPN tỉnh Bình Định phát động.
Trao đổi với chúng tôi, chị Loan tâm sự, năm 2015, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Công Nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị ở lại thành phố làm việc, lấy chồng và sinh con. Từ khi dịch Covid 19 xuất hiện, chị quyết định về quê sinh sống, phụ giúp ông bà ngoại xay xát gạo, nuôi gà, nuôi bò và bán bảo hiểm nhân thọ. Suốt thời gian hơn một năm, chị Loan trăn trở suy nghĩ mãi, làm thế nào để có một công việc ổn định, bền vững về lâu dài cho riêng mình. Từ ý tưởng ban đầu là nhập phân gà và trấu sẵn có của gia đình bán cho người dân làm nông để bón cải tạo dinh dưỡng cho đất, đến tháng 3 năm 2023, ý tưởng tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình được chị Loan tiến hành thực nghiệm. Chị tạo ra chế phẩm dinh dưỡng hữu cơ gửi đến Trung tâm phân tích và Đo lường Chất lượng Bình Định để kiểm định chất lượng sản phẩm. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến tháng 12 năm 2023, sản phẩm của chị Loan được Trung tâm phân tích và Đo lường Chất lượng Bình Định đánh giá đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề sản xuất “Chế Phẩm Dinh Dưỡng Hữu Cơ - Đại Cồ Việt” chị Loan cho hay, mong muốn thay đổi tư duy sử dụng phân hoá học đã ăn sâu vào tâm thức người dân canh tác nông nghiệp tại địa phương và tác hại của phân hóa học, tôi bàn bạc với chồng nghiên cứu, học hỏi các công thức sản xuất sản phẩm cung cấp cho bà con một giải pháp chăm sóc cây trồng bằng công nghệ sản xuất mới. Từ đó, “Chế phẩm dinh dưỡng hữu cơ -Đại Cồ Việt” ra đời.
Nguồn nguyên liệu chính của chế phẩm là phân gà ủ men vi sinh cùng với một số thành phần dinh dưỡng khác tạo nên một loại chế phẩm với 100% là chất dinh dưỡng. Lợi ích của chế phẩm dinh dưỡng hữu cơ là làm cho đất tơi xốp và nâng cao độ phì nhiêu của đất. Chế phẩm có thể hỗ trợ cải thiện cấu trúc đất trồng, nâng cao năng suất và khả năng chống chịu của cây đối với nắng hạn, tăng chất lượng nông sản cho người dân. Thay đổi từ đất đến cây trồng và thực phẩm cho con người sử dụng theo hướng thuận tự nhiên và thân thiện với môi trường, chị Loan chia sẻ: “bước đầu để tạo ra sản phẩm này, xuất phát từ một ước mơ, khát vọng lớn, muốn tạo ra một giá trị cho vùng đất của mình, tạo ra một sản phẩm có thể hỗ trợ cho người dân về mặt nông nghiệp để cải thiện năng suất cho quê hương mình, đó là một bước khởi đầu, ý nghĩ tiếp theo là nên xây dựng cho mình một thương hiệu, để có một thương hiệu lao vô học, học online, học offline, google, …. để sàn lọc ra những cái mình cần có trong một chất liệu của phân, bắt đầu đi thị trường, tìm hiểu những trang trại làm phân vi sinh, phân hữu cơ… nhìn đó làm theo, tự phối công thức, may mắn được mọi người đón nhận”
Theo chị Loan, vì sản phẩm mới nên sự đón nhận của người tiêu dùng hơi dè chừng, do đó, việc tiếp cận khách hàng ban đầu là một thách thức khá lớn. Chị đã nhờ đến chính quyền địa phương và nhất là Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện lan tỏa sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, trang fanpage, facebook..... để người tiêu dùng biết đến sản phẩm. Và mới đây, nhờ Hội LHPN xã tạo điều kiện hỗ trợ Chị tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh do Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức. Sản phẩm của Chị đạt giải nhì. Qua cuộc thi, sản phẩm của chị Lê Thị Loan được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến và đang được các nhà vườn đăng ký đặt đơn hàng cho mùa vụ tới. Hiện, sản phẩm của chị đã tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai…
Để hoàn thiện hơn về mặt chất lượng cũng như bao bì của sản phẩm chị Loan cho biết “trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cải thiện lại chất lượng về mặt bao bì, về mặt thiết kế đã hoàn hảo nhưng về chất lượng bao thì vẫn chưa được cải tiến lắm, do kinh phí ban đầu còn hạn chế, thứ hai cái size bao sẽ có thêm một thiết kế khác nữa, thứ ba về phần máy móc thì khi mà đạt đủ độ doanh thu chúng tôi đưa ra mục tiêu thì sẽ cải tiến, cơ cấu lại nhà máy, với lại chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm một loại phân mới, phân này mình sẽ nghiên cứu dựa trên thổ nhưỡng của địa phương và tất nhiên sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân ở địa phương”.
Chị Võ Thị Mỹ Thuật, Chủ tịch Hội LHPN Mỹ Chánh Tây chia sẻ: “thời gian qua, thực hiện đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN xã cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhiều chị em khởi nghiệp, trong đó có chị Lê Thị Loan, nhờ tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội chị đã mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị sản xuất; bên cạnh đó Hội cũng hỗ trợ các kiến thức về kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, kỹ năng bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử cũng như tạo điều kiện cho chị tham gia Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức và qua đó đã lan tỏa sản phẩm của chị Loan trên thị trường để người tiêu dùng biết đến một sản phẩm hữu cơ mang lại giá trị dinh dưỡng cao trong sản xuất nông nghiệp”.
Mô hình sản xuất chế phẩm dinh dưỡng Đại Cồ Việt của chị Lê Thị Loan bước đầu mang lại hiệu quả. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ phối hợp tạo điều kiện cho chị Loan tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, nhằm nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Sản phẩm vi sinh được sản xuất dưới dạng viên nén
Chế phẩm vi sinh “Đại Cồ Việt” được người dân địa phương sử dụng bón cho cây ớt.