Mới đây, Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Phù Mỹ phối hợp với Trung tâm Thông tin- Ứng dụng KH&CN tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải sinh hoạt (hữu cơ) và chất thải chăn nuôi" tại xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ).
Mô hình này được Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Phù Mỹ chủ trì, phối hợp Trung tâm Thông tin- Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11/2024 tại xã Mỹ Trinh, chế phẩm sinh học được sử dụng là BIDI-IMO, BIDI-MICOM. Trong đó, mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải sinh hoạt (hữu cơ)” được thực hiện tại 04 nông hộ, quy mô nhóm 5 - 7 hộ gia đình, từ 3 nhân khẩu/hộ gia đình trở lên và 01 khu tập trung rác thải sinh hoạt hữu cơ tại chợ, quy mô khoảng 01 tấn tác thải sinh hoạt hữu cơ/tháng; mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ” được triển khai tại 05 nông hộ, quy mô khoảng 3 tấn chất thải từ heo, bò, gia cầm/mô hình. Qua 4 tháng thực hiện, các hộ tham gia mô hình đều nhận thấy việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ, chất thải chăn nuôi thành phân bón cho hiệu quả rất khả quan.
Tại hội thảo, bà Lê Thị Kim Huệ, người dân thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh cho biết: “Khi sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ, mùi hôi từ chất thải chăn nuôi giảm rất đáng kể, thời gian chất thải hoai mục nhanh, lượng phân bón thu được tôi dùng bón cho cây trồng, hiệu quả rất tốt, rất an toàn.”
Bà Nguyễn Thị Út Loan, hội viên phụ nữ xã Mỹ Trinh phấn khởi cho hay: “Nói chung, thực hiện mô hình này đòi hỏi mình bỏ thời gian hơn hơn một chút, phân loại, tận dụng rác thải hữu cơ để cho vào thùng ủ phân. Nhưng hiệu quả mang lại rất là lớn. Mình hạn chế được lượng rác thải ra môi trường, chất thải thu được sau khi xử lý được dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt, hiệu quả cao lại an toàn”.
Hiệu quả mang lại từ mô hình đã thu hút, khuyến khích nhiều bà con nhân dân xã Mỹ Trinh tích cực thực hiện. Ngoài ra, UBND xã đầu tư kinh phí mua 20 thùng nhựa HDPE để triển khai mô hình “Ủ chất thải hữu cơ thành phân bón” tại thôn Trung Hội và Trà Lương.
“Các mô hình trên đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí trong trồng trọt, tăng năng suất cây trồng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đặc biệt, cùng với mô hình trên và các mô hình khác như Ngôi nhà xanh, Phân loại rác thải tại nguồn, Bể thu gom bao bì thuốc BVTV,…với sự hưởng ứng tích cực của người dân đã góp phần giúp xã Mỹ Trinh đạt tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao”- Ông Võ Thanh Hoàng- Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh phấn khởi cho hay.