Hơn 17 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ông Nguyễn Quốc Trung ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang luôn có sự đồng hành của đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Trong câu chuyện với ông trước thềm xuân mới, niềm vui cứ từng bước được nhân lên, đói nghèo dần lùi lại, bị bỏ rơi phía sau qua từng mốc thời gian vay vốn. Năm 2007, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Nhà có 02 cháu đều đang tuổi ăn học nên nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” luôn là điều trăn trở của gia đình ông. Lúc đó, cán bộ Hội Phụ nữ xã Mỹ Quang đến thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh và gợi ý gia đình có thể vay vốn Ngân hàng CSXH huyện phát triển kinh tế. Với số tiền 15 triệu đồng vốn đầu tiên, vợ chồng ông Trung đầu tư mua bò sinh sản về nuôi, sau hai năm nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc chăn nuôi được địa phương hướng dẫn và sự chăm chỉ tìm hiểu kinh nghiệm qua những người chăn nuôi hiệu quả, kinh tế gia đình ông dần ổn định hơn. Đến năm 2009 đã trả hết nợ vay ngân hàng. Năm 2013 ông Trung tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng đầu tư thêm chuồng trại mở rộng chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. Với kinh nghiệm sẵn có, chăn nuôi ngày một phát triển, mỗi năm ông đều có thể xuất bán từ 2 con bê và 1 con bò thịt. Sau khi trừ đi chi phí gia đình ông lãi từ 70-80 triệu đồng có khi đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào thời điểm giá cả thị trường.
Ông Trung cho biết thêm, các con của ông cũng được vay vốn Ngân hàng CSXH để hoàn thành chương trình học Đại học, ra trường, tự kiếm việc làm, có kinh tế ổn định. Giờ đây, từ một hộ nghèo, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhìn vào căn nhà mái bằng cấp 4 khang trang gọn gàng, ông hồ hởi chia sẻ: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, thì cũng nhờ chính quyền địa phương, trực tiếp là Hội Phụ nữ và Ngân hàng chính sách đã hộ trợ tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, cho con ăn học. Hiện giờ gia đình chúng tôi đã thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống”
Gia đình chị Lương Thị Kim Hạnh ở Khu phố Dương Liễu Đông, Thị trấn Bình Dương cũng là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Chúng tôi gặp chị khi chị còn đang tất bật với công việc thường ngày- bán bún tôm. Chị Hạnh đon đả cho biết: Trước đây, chị buôn bán hàng tạp hóa, chồng chị làm tài xế lái xe tải, tuy thu nhập không dư giả nhiều, nhưng cố gắng tiết kiệm cũng đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhưng năm 2017, một biến cố xảy ra với gia đình chị, chồng chị không may bị tai nạn giao thông, mất đi một chân. Chị đã bán cửa hàng tạp hóa gom góp tiền chạy chữa cho chồng, từ đó gia đình khá chật vật về kinh tế. Một mình chị cán đáng mọi công việc trong gia đình cộng thêm khó khăn nữa là khi các con đang tuổi ăn tuổi học. Bấy giờ, được sự hỗ trợ giúp đỡ của địa phương, trực tiếp là Hội LHPN Thị trấn Bình Dương, chị được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện mua sắm dụng cụ bán bún tôm theo phương thức truyền thống. “Trộm vía”, quán chị luôn đông khách hàng, nên chị cũng đủ chi phí trang trải cuộc sống. Mới đây, Chị Hạnh vay thêm 100 triệu đồng đầu tư máy ép bún và một số dụng cụ phục vụ việc bán bún tôm, nhằm phục vụ kịp thời, tốt hơn cho khách hàng mỗi dịp khách đông. Chị phấn khởi chia sẻ: “Ngày thường tôi bán được 20 kg gạo cả sáng và tối, nói chung ngày tết thì tôi bán đông hơn, nên cũng cần thuê thêm người làm và cũng nhờ có máy ép bún nên phục vụ kịp thời cho khách hàng mỗi dịp lễ tết, buôn bán cũng đắt đỏ, kinh tế cũng ổn định hơn, tôi rất phấn khởi”
Chị Lương Thị Kim Hạnh ở Khu phố Dương Liễu Đông, Thị trấn Bình Dương đang chuẩn bị nguyên liệu bán bún cho khách hàng.
Thiết nghĩ đồng vốn từ Ngân hàng CSXH hỗ trợ kịp thời đã “dẫn đường, mở lối”, khơi thông “bế tắc” kinh tế của gia đình chị Hạnh đem lại cuộc sống bền vững hơn.
Theo ông Phan Phương Trình - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ. “Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác trong việc chuyển tải các nguồn vốn tín dụng chính sách đến người dân. Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH đạt gần 692 tỷ đồng với hơn 11 nghìn khách hàng vay vốn. Với mong muốn giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có sinh kế ổn định bền vững, bên cạnh việc chuyển tải nguồn vốn, chúng tôi có định hướng việc triển khai cho vay đối với các mô hình kinh tế hiệu quả đặc trưng của địa phương, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Khát vọng của người nghèo hiện giờ không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là một cuộc sống hạnh phúc với sinh kế bền vững. Đây vừa là mục tiêu, vừa là thách thức của Ngân hàng CSXH trên chặng đường mới. Để hiện thực hóa khát vọng đó của người nghèo, những người cán bộ Ngân hàng CSXH trong huyện đã và đang không ngừng nỗ lực hơn mỗi ngày để đồng vốn của ngân hàng ngày càng đến nhanh hơn, kịp thời hơn, luôn đồng hành cùng với các hộ vay trên mỗi chặng đường vượt khó để mỗi khi Tết đến, Xuân về, mọi người, mọi nhà thêm vui.
Trải qua 21 năm xây dựng và phát triển - một chặng đường đầy gian khó, đồng hành, vì hạnh phúc người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, vốn tín dụng chính sách đã “ăn sâu, bám rễ” trên mảnh đất quê hương nông thôn mới Phù Mỹ, “đơm hoa, kết trái” đem về “quả ngọt” cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tạo nên diện mạo mới ở những vùng quê nông thôn. Nhờ đó, trong năm 2024, Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần giảm 881 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 1,8%; giảm 151 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 0,3%.
Hành trình đem lại những mùa xuân ấm áp vẫn tiếp nối sôi động trên khắp miền quê, mạch nguồn vốn tín dụng chính sách lại lan tỏa thực sự trở thành người bạn đồng hành thiết thực cùng người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần nhân lên những mùa Xuân vui trên quê hương nông thôn mới Phù Mỹ hôm nay.